Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang chủBài viếtChuyên đềBàn tròn cùng 3 “ngự lâm pháo thủ” của Operaphilia

Bàn tròn cùng 3 “ngự lâm pháo thủ” của Operaphilia

Tác giả: Đông Nguyên (thực hiện)

Quang Công, Trường Linh và Đức Tùng là 3 giọng tenor trẻ tài năng và đầy cá tính trong Operaphilia – là 3 niềm tự hào của cá nhân tôi khi có các bạn tham gia trong nhóm. Công sinh năm 2001, đang học cao đẳng thanh nhạc năm 2, bạn mới tiếp cận thanh nhạc cổ điển chưa lâu nhưng rất đam mê và giọng hát có nhiều tố chất đáng quý. Trường Linh hiện là sinh viên thanh nhạc hệ đại học của Nhạc viện, đồng thời cũng là diễn viên đơn ca của Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Nam. Bạn đang được đánh giá là một tenor triển vọng với sự nghiệp đầy hứa hẹn trong tương lai. Đức Tùng đã tốt nghiệp Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và vừa trải qua kỳ thi vào Cao học biểu diễn Thanh nhạc của Nhạc viện Quốc gia.

Dù cùng là tenor nhưng đó là 3 giọng hát hoàn toàn khác nhau, 3 tính cách trái ngược nhau và họ đang ở 3 chặng khác nhau trên con đường theo đuổi đam mê âm nhạc của mình. Vốn ban đầu tôi chỉ định thực hiện một bài phỏng vấn ngắn cho Hòa nhạc Giáng sinh Operaphilia sắp tới để các bạn chia sẻ về tác phẩm mình thể hiện, nhưng rồi buổi nói chuyện gần một tiếng rưỡi đồng hồ dần trở thành một cuộc bàn tròn chia sẻ những quan điểm về giọng hát, về thẩm mỹ âm nhạc cũng như sự trải nghiệm và nỗ lực của mỗi cá nhân với nhiều ý tưởng rất thú vị. Tôi quyết định ghi lại để đăng lên đây, cho những bạn muốn biết những ca sĩ học cổ điển – đặc biệt là những tenor trẻ họ suy nghĩ về những điều gì khi họ hát. Tất nhiên ngoài đời chúng tôi khá thân thiết và suồng sã trong giao tiếp, nên bài nói chuyện này đã được biên tập và diễn đạt lại một số ý chưa thực sự rõ ràng trong khi trình bày để các bạn đọc bình thường có thể dễ theo dõi.

***

Đông Nguyên (ĐN): Để mở đầu, anh muốn biết các bạn cảm nhận gì về nhau?

Quang Công (QC): Trước khi em gặp anh Linh, em đã biết và xem các clip của anh ấy rồi, nghe rất thích và rất muốn được gặp ngoài đời. Nhưng đến khi gặp anh trong nhóm thì mới nhận ra là – hóa ra anh Linh ở ngoài khác hoàn toàn, không có chút nào đạo mạo như trên sân khấu cả. Nói chung là “thất vọng” lắm, haha. Còn anh Tùng, mới đầu em không có thiện cảm chút nào. Anh Tùng vào nhóm muộn hơn em một chút, nhìn cứ lầm lì, mà khi lần đầu nghe anh Tùng hát em nghe bị dội, bởi vì âm thanh lớn mà độ rung rất gấp. Còn sau này không biết do anh ấy thay đổi cách hát hay do em tập bài với anh ấy nhiều mà thành quen tai, giờ thì em thấy rất thuyết phục và giọng hát cũng có nhiều tình cảm trong đó nữa.

Trường Linh (TL): Thực ra lần đầu tiên em đi xem concert “Storia dell amore” em rất ấn tượng là vì đọc profile là anh Tùng là từ Sài Gòn mà ra tận đây để hát, sau mới biết là anh ấy vốn là người ngoài này học trong nam, rồi tốt nghiệp mới ra đây. Mới đầu cũng thấy anh Tùng rất ít nói, kiểu các chị em hay nói là “boy lạnh lùng”, nhưng tiếp xúc lâu mới thấy là anh ấy cực kỳ vui vẻ và hài hước. Công thì là một cậu bé mạnh dạn và rất chịu khó, ham học hỏi.

Đức Tùng (ĐT): Linh hát rất tốt, em từng share bản thu âm của Linh cho bạn bè em vì thấy cậu ấy mới học ĐH năm 1 mà hát “Nessun dorma” khá quá, thậm chí có thể nói là nhiều người ở trình độ cao học chưa chắc đã hát tốt bằng. Nhưng Linh hơi hiền và chững chạc quá, nếu nghệ sỹ hơn, thậm chí hoang dã hơn thì chắc chắn sẽ là một giọng hát rất có sức hấp dẫn, với cả một phần cũng tiếc là cậu ấy cũng sớm ổn định gia thất nên thời gian gặp gỡ với các anh em trong nhóm để tập bài cũng hạn chế hơn. Còn Công với em là một thằng rất nhí nhố, nó toàn nói một đằng làm một nẻo. Đợt này cu cậu cũng khá chăm, hay cùng em tập bài nhà anh Phúc. Công có một ưu điểm là hát rất ít phô, tuy vậy cứ ra sân khấu là lại… run.

Tenor Quang Công

ĐN: Bây giờ còn run nữa không?

QC: Đó là concert đầu tiên thôi, concert “Storia dell’amore”. Đợt đó em mới học năm nhất cao đẳng, hầu như chưa bao giờ biểu diễn thực tế, ngay cả hát trước các anh em cũng thấy run nữa là đứng trước vài trăm khán giả như vậy. Gần đến ngày diễn, em chỉ mong concert đó bị trì hoãn, nhưng bây giờ thì ngược lại, em đang rất hào hứng và mong đợi Concert Giáng sinh sắp tới đến thật nhanh để được hát.

ĐN: “Panis Angelicus” là một trong những bài hát cực kỳ quen thuộc không chỉ với người theo đạo mà kể cả đối với các bạn sinh viên đang học thanh nhạc chuyên nghiệp, dù là từ bâc trung cấp cho tới cao học. Điều gì khiến em thấy hứng thú ở nó?

QC: Tất nhiên là giai điệu – rất đẹp và cuốn hút. Em đã tập bài này được một thời gian rồi, lúc mới nhận bài em cũng nghĩ là nó dễ, vì cữ âm không quá cao cũng chẳng quá thấp. Nhưng càng tập em càng thấy là có nhiều vấn đề. Cái giai điệu bay bổng của nó khiến em có xu hướng thể hiện nó theo kiểu trong trẻo, tươi sáng, giống như là thiên thần vậy. Phải mất rất nhiều thời gian để em cố thoát ra khỏi lối hát đó, hát với một âm thanh chững chạc, rõ ràng và có nhiều màu sắc hơn, nghe “trần thế” hơn. Giờ thì “thiên thần” cũng đã “hạ phàm” rồi. (cười)

Tenor Trường Linh

ĐN: Thế còn Linh, bài “Cantique de Noel” em sẽ hát trong concert này cũng là một bản Christmas carol nổi tiếng và thường xuyên được trình diễn trong các mùa Giáng Sinh ở Việt Nam (dù chủ yếu là bản tiếng Anh hoặc tiếng Việt hơn là ngôn ngữ gốc). Đây có lẽ là lần đầu tiên em hát một ca khúc có màu sắc tôn giáo, em có cảm giác gì?

TL: Em thấy nó khó. Không phải ở cữ âm của nó hay các nốt cao như nhiều người hay nghĩ. Nốt cao nhất chỉ là Si giáng thôi, vẫn hoàn toàn nằm trong quãng giọng thoải mái của em, nhưng làm sao có thể tạo nên các sắc thái khác nhau trong mỗi đoạn, mỗi lời hát để khiến cho bài hát không trở thành nhàm chán vì người ta đã quá quen nó rồi. Em đã phải làm việc với anh Phúc (accompanist) rất nhiều và chỉnh sửa rất nhiều. Khi em vỡ bài, em cũng như Công, bị cuốn theo cái giai điệu của nó và cũng có thể do ảnh hưởng một số phiên bản mà em đã nghe – em nghĩ nó là một bài hát buồn. Lúc đó em chưa tìm hiểu lời, em chỉ nương theo những gì em cảm nhận về âm nhạc thôi, nhưng đến khi bổ từng câu nhạc cùng anh Phúc và xem xét cả lời hát thì nó hoàn toàn khác với những gì mà mình cảm nhận ban đầu. Và thế là gần như phải đập đi xây lại. Em chưa bao giờ hát một ca khúc tôn giáo, nhưng em dần cảm nhận được tình cảm thành kính của những người giáo dân đối với Thiên Chúa – và em cố gắng truyền đạt cái cảm xúc ấy.

ĐN: Cả anh, Tùng và Công đều công nhận một điểm nổi bật của Linh là em sở hữu một âm khu cao rất “ăn tiền”, sáng, đẹp, đầy đặn với những nốt cao chắc chắn. Em đã khám phá ra nó như thế nào?

TL: Cái này có lẽ phải quay về thời gian trước khi em còn học đại học ở trường khác. Hồi đó, e vẫn hay biểu diễn văn nghệ ở trường, chủ yếu là các ca khúc Việt Nam thôi, hát theo bản năng, không hề có định hình mình là giọng gì cả. Thường khi em gặp bài nào cao quá, em sẽ dịch tone xuống tới khi mình hát được, nhưng rồi em để ý một số ca sĩ nước ngoài, họ có thể giải quyết được những nốt rất cao với một âm thanh rất “lạ”. Em cố gắng tưởng tượng và lặp lại cái âm thanh ấy, đến một lúc nào đó tự giọng hát mình có thể làm ra được. Sau này em vào trường, em được các thầy hướng dẫn, em biết được mình là tenor 1, và phương pháp “đóng tiếng” như thế nào. Nhưng quả thực, em đã có “nó” trước rồi, các phương pháp chỉ giúp em kiểm nghiệm lại một cách khoa học mà thôi. Rất khó có thể giải thích tường tận, không phải là em giấu bài đâu, em cảm nhận được, em hiểu cơ chế của cơ thể làm thế nào để hát các nốt cao thoải mái, nhưng để diễn giải một cách cụ thể thì lại không thể bởi vì mọi thứ nó đều ở bên trong.

ĐN: Linh có hay tìm nghe các ca sĩ cổ điển chứ?

TL: Em có, nhưng em thường nghe các ca sĩ châu Á nhiều hơn là Âu Mỹ. Em hiểu nhạc cổ điển là từ phương Tây, và những nghệ sỹ Âu Mỹ huyền thoại mới là những chuẩn mực cao nhất của bộ môn này. Nhưng Châu Á bây giờ cũng bắt đầu có những giọng hát tầm cỡ thế giới rồi. Và cá nhân em cảm thấy là cái âm thanh của các tenor Châu Á sáng, nhẹ và bay hơn, nó gần với với cổ họng của người Việt Nam chúng ta hơn là người Âu Mỹ.

Tenor Đức Tùng

ĐN: Còn Tùng thì sao, quá trình tìm ra giọng hát của mình như thế nào – một giọng hát mà có thể gây được ấn tượng rất mạnh với đa số khán giả khi biểu diễn trực tiếp?

ĐT: Em có thẩm mỹ hơi khác một chút. Em thích một âm thanh dầy và có sức nặng hơn. Em cho rằng mình may mắn có một đôi tai tương đối thính. Khi em nghe một người ca sĩ hát, em có thể hiểu được phần nào tại sao họ tạo ra được âm thanh như thế, và tái tạo lại – dù có thể không tuyệt đối giống nhưng nó khá gần với bản chất của giọng hát đấy. Em từng thử với rất nhiều người – Kraus, Pavarotti… nhưng giọng hát của Franco Corelli có lẽ gần với thẩm mĩ em nhất. Em không định bắt chước Corelli, nhưng em muốn tạo ra một âm thanh dày, khỏe, có chất spinto mà vẫn sáng như thế. Đấy mới là giọng hát cho âm nhạc của Verdi và Puccini. Em cũng không tin là người Châu Á thì không thể có chất spinto, chất thép, nhưng làm thế nào để kiến tạo giọng hát mình trở thành thứ mà mình muốn hướng tới? Nó là một quá trình dài, rất gian khổ với không ít vấp ngã, thử nghiệm mà có thể không giống với nhiều người học thanh nhạc bình thường. Em xây dựng âm vực thấp của mình trước. Thực tế thời kỳ đầu em hát baritone, hát hợp xướng bè bass nhiều hơn tenor. Khi âm khu thấp và âm khu trung của em ổn định, em dần dần mở rộng và kéo nó lên quãng trên. Em vẫn đang trong quá trình khám phá bản thân mình, và em tin là mình đang đi con đường phù hợp với chính mình.

ĐN: Trong concert này em hát một bản aria “Ingemisco” trong kiệt tác Requiem của Verdi. Đây là một aria điển hình của thời kỳ “Late Verdi”. Em từng nói rằng em thích Verdi, em thấy âm nhạc của ông ấy như thế nào? Và aria này khác gì so với thời kỳ “Middle Verdi” như bản “La donna e mobile” hay một số các trích đoạn mà em từng hát trước đây?

ĐT: Cá nhân em thấy Verdi thời kỳ sau sử dụng giọng hát một cách “bạo lực” hơn. Các aria đinh của ông yêu cầu giọng hát phải đầy đặn trong tất cả các quãng. Tất nhiên người ta có thể lựa chọn cách hát nhẹ nhàng, nhưng như thế thì không ra tính chất âm nhạc của Verdi nữa. Thêm nữa, các aria dường như đòi hỏi yêu cầu về trường độ và sức căng của nốt cao hơn. Em có thể ví dụ như Ingemisco, có 2 nốt Si giáng – nhưng nốt Si giáng đầu tiên quan trọng hơn, nếu hát tốt thì nốt Si giáng sau chẳng là gì cả. Ở nốt Si giáng đầu tiên, nếu không thật chắc chắn trong quãng chuyển từ khu trung lên khu cao khi bị kéo căng ra như thế thì giọng rất dễ bị xước. Khác hẳn với những aria như “La donna e mobile” hay “Questa o quella” – có nhịp gần như kiểu hành khúc “păm, păm păm, păm păm”, nó thuận lời hơn cho việc lên tới nốt cao rất nhiều. Cũng may là Verdi thường chỉ viết đến Si giáng thôi, chứ Nếu là Đô cao thì thực sự là thách thức.

ĐN: Đúng Verdi rất hiếm khi viết đến Đô cao, nếu anh nhớ không nhầm, chỉ duy nhất ông một lần ông viết đến giới hạn Đô cao cho tenor, là trong vở Jerusalem (một phiên bản khác của “I Lombardi”) – vở opera ít khi được dàn dựng, còn lại đa phần là những các nốt Đô ca sĩ tự thêm vào mà thôi.

ĐT: Thực sự, em không hề ngại nốt cao, nhưng em nghĩ giọng tenor không có nghĩa là phải lên những nốt cao không tưởng, mà quan trọng là chất lượng âm thanh của nốt nhạc đấy như thế nào, màu sắc, tính chất của nó có phù hợp với âm nhạc hay không.

TL: Em cũng đồng ý với anh Tùng ở điểm rằng các nốt cao trong opera Verdi thời kỳ giữa không quá khó để chạm tới. Cách viết nhạc của ông ấy em thấy có thể tạo đà để có thể lên được nốt cao khá thuận, hoặc chí ít với em là vậy. Trong concert tới vào tháng 2 tới cùng Operaphilia em cũng sẽ hát 1 cabaletta rất hiếm khi trình diễn ở Việt Nam của Verdi: “O mio rimorso”, kết bằng Đô cao. Em chưa bao giờ hát Đô cao trên sân khấu cả, nhưng khi e tập bài này em cảm thấy khá tự tin. Em thích Verdi và Puccini, thích những bài có nhịp hành khúc hoặc có thể đẩy lên cao trào mạnh mẽ mà không cần quá tinh tế, cầu kỳ về các sắc thái.

ĐN: Nhưng Linh có nghĩ rằng Verdi và Puccini quá nặng với em hiện tại không?

TL: Em nghĩ là có. Em biết thời điểm này, giọng hát của em chưa phát triển hẳn, em cần củng cố trung âm của em tốt hơn nữa, nó vẫn còn đang khá bồng bềnh. Trong hầu hết các tác phẩm, những nốt cao chỉ có chấm vài điểm như là điểm nhấn thôi, còn âm nhạc cả bài duy trì ở quãng trung là nhiều nên nếu quãng trung xử lý không tốt thì quãng cao cũng chẳng có giá trị gì cả. Những nhà soạn nhạc như Mozart, hay Bel canto có lẽ là phù hợp với em nhất vào lúc này. Nhưng anh cũng phải hiểu là phần lớn các tenor ở Việt Nam đều mê hát Puccini và Verdi, em cũng vậy thôi bởi vì cái cảm giác hát khi vào cao trào của họ rất đã. Tất nhiên em sẽ phải tiết chế mình, nói vậy chứ em cũng chỉ thỉnh thoảng đôi ba lần và hát những bài ấy với piano thôi, chứ hát với dàn nhạc thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Em vừa có trải nghiệm khó quên khi được hát cùng VNSO trong một concert gần đây. Khi dàn nhạc vừa cất lên, em xúc động đến nổi da gà luôn. Nhưng đồng thời cũng là một cảm giác choáng ngợp – trước âm thanh của một dàn nhạc 80-90 nhạc công. Liệu giọng hát của mình có thể vượt qua nổi cái khối âm thanh dầy dặn ấy để chạm đến đôi tai khán giả? Những ca sĩ trẻ ít kinh nghiệm sẽ có xu hướng cố đẩy giọng hát của mình chạy đua cùng âm thanh của cả dàn nhạc mà điều đó thì khá nguy hiểm.

ĐN: Nhân thể cũng chúc mừng Linh đã có một buổi debut khá thành công với nhạc trưởng Honna và VNSO. Buổi biểu diễn đã gây ấn tượng tốt và anh có nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ một số các ca sĩ đàn anh dàn chị về phần thể hiện của em. Lần đầu tiên hát cổ điển cùng dàn nhạc em thấy khác với piano thế nào?

TL: Đúng là hát với dàn nhạc rất sướng tuy nhiên cũng có rất nhiều điều cần phải để ý. Anh luôn phải chuẩn bị bài thật kĩ và hát thật chuẩn chỉ về nhịp, cao độ, trường độ. Piano đôi khi có thể co giãn hoặc nương theo ca sĩ, nhưng một dàn nhạc hơn 80 con người thì không thể nào chạy theo mình được. Tất nhiên trong lúc làm việc mình vẫn có thể trao đổi với chỉ huy về ý đồ, nhưng sự chính xác là một yêu cầu cực kỳ quan trọng đối với một nghệ sỹ biểu diễn cùng dàn nhạc.

ĐT: Em cũng rất thèm được biểu diễn cùng dàn nhạc, muốn được biết khả năng cắt xuyên của giọng hát mình được đến đâu. Tiếc là em chưa có cơ hội đó, ở mình các sinh viên thanh nhạc cũng ít có điều kiện được làm việc cùng dàn nhạc.

QC: Hát với dàn nhạc ai mà không mê chứ? Em còn thèm được diễn vai trên sân khấu, vai nhỏ thôi cũng được. Mơ ước của em là một lần được diễn opera thực sự tại một nhà hát của Châu Âu.

ĐN: Công có thích Verdi và Puccini như Tùng, Linh không?

QC: Em chưa bao giờ hứng thú với Verdi và Puccini, ít nhất là tới thời điểm hiện tại. Em thích Bellini và Donizetti. Hoặc là các romance Đức hay còn gọi là Lied. Nói chung em thích thứ âm nhạc mượt mà, tình cảm và lãng mạn hơn. Em cảm thấy giọng hát của mình hiện tại không hợp với kiểu bắn lên các nốt cao như trong các tác phẩm của Verdi và Puccini. Các nhà soạn nhạc Bel canto đôi khi họ cũng viết các nốt rất rất cao, nhưng nó đi lên từ từ và dễ chịu hơn, vả lại nhìn chung các bài em đang tập thì cữ âm cũng khá vừa vặn với em. Em không thích phong cách hát của anh Tùng, nhưng em cũng đồng ý với anh ấy ở khoản là nên hát các nốt cao với âm thanh cần có lực, dày và đồng nhất trong suốt cả âm vực như em thấy ở các giọng tenor Ý hay Nam Mỹ. Hiện tại thì em muốn phát triển dần âm vực cao của mình và tiếp tục học thêm các kịch mục phù hợp trong mảng âm nhạc mình quan tâm để mở rộng vốn bài. Có thể sau này trưởng thành hơn, có nhiểu cảm xúc khác phong phú hơn, em sẽ trải nghiệm mình với thứ âm nhạc “mặn mòi” hơn – như vậy mới trở thành nghệ sỹ “lớn” được chứ. Haha.

ĐN: Một câu hỏi chung cuối cùng cho cả 3 anh em: Ở Việt Nam, việc tổ chức các buổi diễn âm nhạc cổ điển bán vé còn khá là khó khăn, ngay cả các nghệ sỹ có tên tuổi và trình độ cũng không dễ dàng làm được điều đó vì lượng công chúng riêng cũng chưa đủ lớn mạnh. Hát thì có thể ai cũng thích, nhưng biến nó thành một nghề thực sự, có thể nuôi sống bản thân là một vấn đề hoàn toàn khác. Đam mê và muốn theo đuổi nó bọn em có nghĩ là một điều viển vông và không thực tế không?

TL: Thú thực rằng ban đầu em cũng ít nhiều nghĩ là nhạc cổ điển chưa thực sự phổ biến với khán giả, bọn em học hát vì là chuyên ngành, hát vì sướng, hát để người trong nghề với nhau nghe và đánh giá thôi. Nhưng quay về cái thời điểm mà nhóm mình tổ chức concert đầu tiên, phải nói thật là đến giờ em vẫn còn rất bất ngờ. Em không hề nghĩ là số lượng khán giả đến xem đông như thế mà đặc biệt là toàn những người trẻ và họ rất hào hứng ở lại đến cuối. Có thể rằng ở đâu đó người ta cũng từng tổ chức thành công như vậy, nhưng với em là lần đầu tiên được chứng kiến. Chính vì thế nó cho em một niềm hi vọng. Có thể bây giờ khán giả chưa nhiều, nhưng nếu như chúng ta cứ tiếp tục làm tiếp như thế, qua một vài thế hệ sau, chúng ta sẽ có một lượng công chúng thực sự. Bởi vì nhạc cổ điển không hề khó nghe, chỉ là người ta đang ít có cơ hội tiếp cận mà thôi.

QC: Em cũng nghĩ là nhạc cổ điển không hề khó và cao xa như nhiều người nghĩ. Nhưng cá nhân em nghĩ là có hai lý do khiến người ta còn ngại ngùng với nó ở Việt Nam. Thứ nhất là dưới góc độ người biểu diễn, họ phải thực sự yêu nhạc cổ điển và tình yêu ấy phải được xây dựng ngay từ quá trình học của một sinh viên. Nếu anh chỉ coi đó là các bài tập để luyện thanh, đọc các nốt, mà không quan tâm rất nhiều những thứ khác như phát âm, những xử lý sắc thái, cảm xúc âm nhạc… thì làm sao có thể hát lôi cuốn được khán giả. Điều thứ 2 là ở Việt Nam trước đây ít có các hoạt động với các buổi biểu diễn phi lợi nhuận để tiếp cận khán giả như vậy mà duy trì được lâu dài. Người nghe phổ thông thường họ ngại khi nghĩ đến chuyện phải vào nhà hát, đó là một thé giới lạ lẫm với họ, dù rõ ràng là giá vé không đắt, ấy là còn chưa kể cái tâm lý hoặc định kiến cho rằng nhạc cổ điển là bác học và cao sang. Trước khi muốn họ bỏ tiền, thì phải cho họ thấy nó là một thứ thân thuộc, bình dị và nhất là phải cho họ thấy là nó thực sự hay đã.

ĐT: Một điều may mắn là cái thế hệ của anh em mình bây giờ kinh tế đã phát triển hơn so với trước đây, cộng thêm với sự giao lưu kết nối với môi trường thế giới bên ngoài cũng diễn ra rất mạnh và nhanh. Thế nên cái tai nghe nhạc của khán giả trẻ bây giờ đã cởi mở hơn và thẩm mỹ cũng tiến bộ hơn rất nhiều. Khán giả chỉ là ít được trải nghiệm trực tiếp thôi. Nếu người ta được nghe một giọng hát cổ điển trực tiếp, trong một không gian lớn, được chứng kiến sức mạnh của một giọng hát tươi không qua bất kỳ một thiết bị máy móc nào lấp đầy không gian ấy, chắc chắn họ sẽ ấn tượng. Đấy là điều khác biệt của opera so với phần lớn các thể loại khác. Con người ta luôn thích những thứ chất lượng cao, cái chính là mình hát có đủ “xịn” để người ta thấy thích hay không thôi. Em không nghĩ là phải rất nhiều thế hệ sau như Linh nói, có thể là ngay trong thế hệ này, hoàn toàn có thể xây dựng được công chúng cho mình như vậy. Điều đó là điều khả thi và không có gì viển vông cả.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

XEM NHIỀU

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY